(Cuối năm cuối tháng tới nơi mà nói chuyện bịnh tật, coi bộ hổng vui! Nhưng quả tình, đây lại cũng là những trải nghiệm thật của ST. Nếu nói theo kiểu tiêu cực thì có vẻ như ST đang kể khổ. Nhưng nếu nói theo hướng tích cực thì ST lại đang “tặng” anh chị em thêm 1 “động cơ” cho chuyến dọn nhà quy mô lớn của mình: “Đi Mỹ để tị nạn… y tế”)
Giữa tháng 10 vừa rồi, gia đình chúng tôi chuẩn bị lên đường về thăm nhà ở VN, đồng thời cũng để đón mẹ tôi qua ở với chúng tôi. Khi chỉ còn 2 ngày nữa là tới ngày lên máy bay, hành lý cũng đã đâu vô đó thì con gái tôi ngã bịnh. Bé đột ngột nôn ói lúc nửa đêm, nhưng không sốt. Tôi chỉ nghĩ bé ăn uống không tiêu, hoặc rối loạn tiêu hoá như mọi lần nên cũng không lo lắm. Nhưng ngày đi đã gần kề, mà con bé không ăn uống gì thì không có sức đi máy bay. Thế là sau 1 ngày để con ở nhà, chồng tôi đưa cháu đi bác sĩ gia đình. Thấy cháu có vẻ mệt nhiều, BS cho cháu vô bệnh viện cấp cứu để truyền nước biển… Buổi chiều, cháu lại được xuất viện về nhà. Đêm đó, chúng tôi vẫn thấy bé càng lúc càng mệt lả đi, ngủ li bì và có biểu hiện liệt tay chân bên phải… Chúng tôi mơ hồ suy đoán là bé bị 1 tình trạng gì đó nguy hiểm hơn là rối loạn tiêu hoá bình thường. Có thể bé đã té đâu đó mà chúng tôi không biết (vì tôi gởi bé ở babysitter, mà bé lại thường không khóc lóc nhõng nhẽo mỗi khi té ngã xoàng…)
Vợ chồng tôi bàn bạc với nhau rồi quyết định đưa bé vô bệnh viện nhi đồng cấp cứu. Vậy là sáng sớm hôm sau, chồng tôi lái xe chở con tôi đi thẳng vô phòng cấp cứu của Texas Children’s Hospital (TCH).
Ở phòng cấp cứu, sau khi xem qua tình trạng bé, họ lập tức cho bé chụp hình MRI, CAT Scan (tiếng việt hay kêu bằng chụp CT)và làm đủ các loại thử nghiệm cần thiết. Họ coi qua thẻ bảo hiểm của chúng tôi, rồi thủ tục nhập viện được tiến hành đơn giản, nhanh chóng.
Kết luận của bác sĩ là bé đã bị vỡ 1 động mạch trên não (tiếng Việt hay gọi là đứt gân máu). Chỗ vỡ sưng to, đè lên bán cầu não bên trái, làm cho nửa người bên phải của cháu bị liệt. Tính ra, từ khi bé ói tới lúc được tìm ra nguyên nhân đã là 2 ngày 3 đêm … Trễ quá! Nhưng cũng còn may!
May thứ nhất là bé đã phát bịnh trước chuyến đi và chúng tôi cũng đã sáng suốt hủy chuyến đi của cháu, để đưa bé vô bệnh viện nhi đồng. Chứ nếu bé đợi tới lúc lên máy bay mới phát bệnh, hoặc chúng tôi vẫn ẵm bé đi VN trong tình trạng đó … thì chắc đã vô phương cứu chữa.
May thứ hai là chúng tôi đang sống trên đất Mỹ, với đầy đủ điều kiện về y tế để bé được cứu chữa tốt nhất:
– Ngay sau khi có kết luận sơ khởi về tình trạng bịnh của bé, BV đã cho đặt ống thẳng vô hộp sọ của bè để hút máu bầm và các loại dịch lỏng trong máu ra, giảm áp suất bên trong não cho bé. Ba ngày sau, cánh tay phải của bé đã có thể nhúc nhắc, cử động được đôi chút.
– 12 ngày nằm trong ICU (Intensive Care Unit – tạm dịch là phòng săn sóc đặc biệt hoặc phòng săn sóc tích cực), cũng như các bệnh nhi khác trong unit, được theo dõi sát sao 24/24. Cha mẹ hay người nhà có xót con, xót cháu thì cũng được vô chăm sóc, ở cạnh giường bệnh với con, nhưng kỳ thực, không có cũng chẳng sao. Y tá theo dõi các chỉ số tim mạch, nhịp thở, thân nhiệt vv… môi tiếng đồng hồ. Kể cả vệ sinh cá nhân cho bé cũng do y tá với điều dưỡng làm. Tất bật, căng thẳng, nhưng từ y tá cho tới điều dưỡng hay các dược tá đều ân cần, dịu ngọt với bệnh nhi. Trong ICU, thân nhân bệnh nhi mà có muốn ngủ đêm lại thì chỉ có cái ghế ngồi tạm thôi. Nhưng khi đêm tới, y tá vui vẻ tới hỏi coi thân nhân có cần mượn cái mền, đôi vớ gì cho đỡ lạnh hay không … Tình trạng con em có nghiêm trọng tới đâu mà thấy đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc tận tụy, hết lòng như vậy, chắc ai cũng thấy đỡ căng thẳng đi nhiều lắm.
– Khi được cho ra khỏi ICU, bé được cho về phòng bệnh thường trên khoa thần kinh. Mỗi bệnh nhân 1 phòng riêng biệt, phòng tắm có cả bồn tắm như khách sạn, có TV, có đầu máy, có luôn giường dã chiến cho thân nhân ngủ lại. (Phòng thường thôi chứ không phải phòng “dịch vụ” đâu … ) Trên hành lang của khoa có một play ground cho các bé tự do ra vô. Đồ chơi đủ các loại, cho đủ mọi lứa tuổi đều có sẵn. hầu như ngày nào cũng có người gõ cửa phòng vô hỏi thăm từng bệnh nhi, tặng những món quà nhỏ xíu mà bọn trẻ đứa nào cũng thích. Hôm bé con tôi mừng SN tròn 2 tuổi, các cô y tá trong khoa mua cả chùm bong bóng, in hẳn 1 cái banner rõ to, mua cả 1 chú gấu bông nho nhỏ mang tặng cháu … Trẻ con mà bắt nằm trong bệnh viện cả tháng trời thì đứa nào không chán? Nhưng chính những trò vui nho nhỏ này đã làm thời gian nằm viện của các bé được thoải mái hơn, vui vẻ hơn.
– Con tôi bị đứt động mạch não, bị liệt nửa người. Song song với việc điều trị não cho em, bệnh viện cũng cho nhân viên vật lý trị liệu tới xem xét tình trạng bé ngay từ những ngày còn nằm ở ICU. Bác sĩ nhãn khoa thì tới coi bé có bị tổn thương nhãn cầu hay không vv… Bậc làm cha mẹ như chúng tôi cũng thấy yên lòng.
– Suốt từ khi nhập viện cho tới khi chở con về tới nhà, chúng tôi tuyệt nhiên không bị ai làm phiền chuyện tiền nong chữa chạy cho con! Hôm bé vô phòng cấp cứu, sau khi bé đã ổn định, ba của bé đi làm thủ tục nhập viện cho con, chỉ phải trình thẻ bảo hiểm rồi đóng vỏn vẹn 100 đồng! Ngày bé xuất viện, y tá giúp đưa bé xuống tận xe. Cho tới lúc đó, chúng tôi cũng chẳng phải đóng thêm 1 đồng nào cho bệnh viện!
– Từ đó đến nay, theo dõi trên hồ sơ bảo hiểm của mình, tôi biết tổng số tiền bé nằm viện đã lên đến trên 300 ngàn USD. Công ty bảo hiểm thanh toán phần lớn những chi phí đó. Phần chúng tôi cũng còn lại một khoản phải chi ra. Nhưng 1 nhân viên của hãng bảo hiểm đã gọi cho tôi, dặn trước “Khoan thanh toán bất cứ 1 khoản tiền nào cho bệnh viện. Hãy đợi khi tất cả bill của bệnh viện về rồi nói chuyện với công ty bảo hiểm để chúng tôi xem lại coi họ đòi tiền có đúng không. Và nếu chị không đủ khả năng thanh toán, chúng tôi sẽ giúp …” Nghe nói, chúng tôi vẫn có thể thương lượng với bệnh viện để thanh toán dần (như trả góp vậy) số tiền mà chúng tôi phải trả …
Vậy đó … Con tôi đã xuất viện. Cháu cũng đã vận động lại được gần như bình thường mà chúng tôi thì chưa trả đồng nào tiền viện phí …
Nếu không phải đang ở Mỹ … chắc tôi đã đành mất con, nếu không vì điều kiện y tế không cứu được con, thì cũng vì tôi không đủ tiền nộp trước cho bệnh viện …